Thao tác với pipet thủ công như thế nào?
Thao tác pipet với các thể tích khác nhau, đặc biệt là các thể tích từ 0,2 đến 5 µL, độ đúng và độ chính xác của kỹ thuật phân phối thể tích là vô cùng quan trọng, vì lỗi phát sinh dễ thấy hơn với thể tích nhỏ.
Khi việc giảm lượng thuốc thử đi cùng với giảm chi phí là quan tâm hàng đầu, thiết kế các thí nghiệm với thể tích hút nhỏ hơn đang tăng cao, ví dụ như khi chuẩn bị Mastermix PCR hoặc phản ứng enzyme. Nhưng việc hút thể tích nhỏ từ 0,2 – 5 µL đặt ra những thách thức mới về độ chính xác thao tác hút. Những điểm sau đây cần được quan tâm khi chọn dùng pipet thủ công:
1. Kích thước pipet và đầu tip: Luôn chọn pipet có thể tích danh nghĩa thấp nhất có thể và đầu tip nhỏ nhất so với thể tích cần phân phối để giữ cho đệm khí nhỏ nhất có thể. Ví dụ, khi hút 1 µL, hãy chọn pipet 0,25 – 2,5 µL và đầu tip phù hợp thay vì dùng pipet 1 – 10 µL.
2. Hiệu chuẩn và bảo dưỡng: Điều quan trọng là pipet của bạn phải được hiệu chuẩn và bảo dưỡng đúng cách. Các điều chỉnh nhỏ và các bộ phận bị hỏng trên pipet dẫn đến sự gia tăng đáng kể các giá trị lỗi hệ thống ngẫu nhiên. Pipet cần phải được hiệu chuẩn theo ISO 8655-2.
3. Cố gắng sử dụng thể tích lớn hơn: Bạn có thể cân nhắc pha loãng mẫu của mình để hút thể tích lớn hơn với cùng một lượng hoặc nồng độ trong phản ứng cuối cùng. Điều này có thể giảm lỗi hút với thể tích mẫu rất nhỏ, tuy nhiên sẽ tốn chi phí hóa chất cao hơn.
Ngoài cầm trên tay một cây pipet tốt và lựa chọn được đầu tip phù hợp, các nhà nghiên cứu, kiểm nghiệm viên phòng lab phải có kỹ thuật hút mẫu đúng và cần phải được đào tạo trước khi thực hiện hút nhả trong một thí nghiệm. Đặc biệt chú ý đến các bước sau:
1. Gắn đầu tip: Không gắn chặt pipet vào đầu tip vì điều này có thể làm hỏng các đầu tip nhỏ (thường mỏng hơn) khiến dòng chất lỏng bị lệch hướng hoặc làm hỏng phần đầu của tip. Chỉ dùng lực nhẹ vừa đủ khi gắn đầu tip.
2. Thao tác chờ pipet: Không cầm pipet trên tay trong khi chờ mẫu thực hiện ly tâm, spindown, gia nhiệt... Bên trong pipet sẽ vô tình nóng lên, khiến đệm khí giãn nở dẫn đến sai lệch so với thể tích đã điều chỉnh.
3. Làm ướt trước: Độ ẩm của không khí bên trong đầu tip và pipet giúp đầu tip tiếp xúc với mẫu và tránh bay hơi khi phân phối thể tích giữa các vật chứa. Nên thực hiện hút nhả mẫu 2-3 lần để tráng đầu tip, nhớ rằng cần nhả toàn bộ chất lỏng trước khi hút phân phối thể tích yêu cầu.
4. Khi hút, giữ pipet theo chiều dọc, thẳng đứng: Điều này rất quan trọng khi xử lý các thể tích nhỏ để tránh hiệu ứng mao dẫn xảy ra khi giữ pipet nghiêng.
5. Độ sâu nhúng: Nhúng đầu tip càng ít vào mẫu càng tốt để tránh chất lỏng di chuyển vào đầu tip do hiệu ứng mao dẫn. Nguyên tắc chung: Đầu tip và thể tích hút nhả càng nhỏ thì độ sâu nhúng càng thấp. Khuyến nghị nhúng đầu tip sâu vào dung dịch tối đa là 2 mm khi hút thể tích nhỏ.
6. Phân phối (nhả mẫu) ở góc 20-45°: Đảm bảo dòng chảy tối ưu của chất lỏng khi giữ pipet ở góc 20-45°.
7. Tiếp xúc với thành ống hoặc bề mặt chất lỏng khi nhả mẫu: Chỉ có thể phân phối đúng thể tích nhỏ khi đầu tip được đưa sát vào thành bình hoặc nhúng vào chất lỏng. Ngay cả giọt cuối cùng từ đầu tip cũng có thể được phân phối chính xác.
8. Ấn đẩy giọt nấc 2: Bắt buộc phải thực hiện thao tác ấn nấc 2 của pipet sau khi phân phối thể tích nhỏ để đẩy giọt chất lỏng cuối cùng ở đầu tip. Việc đẩy giọt cũng phải được thực hiện trên thành ống. Cẩn thận không để bọt khí vào mẫu khi thực hiện đẩy giọt trên bề mặt chất lỏng.
Chia sẻ:
